Thủ khoa chia sẻ bí quyết thi tốt nghiệp THPT

Biết dùng phương pháp loại trừ

Vào tuần cuối cùng trước khi thi tốt nghiệp THPT, mình chỉ dành cho ôn tập kiến thức tập trung vào tổ hợp khối thi của mình gồm ngữ văn, lịch sử, địa lý.

Với môn ngữ văn, mình hệ thống lại các ý chính trong các tác phẩm theo cách lập dàn ý cho những bài quan trọng. Trong phòng thi, cần lưu ý phân bổ thời gian hợp lý.

Chỉ nên dùng khoảng 1/3 thời gian để giải quyết phần đọc hiểu và nghị luận xã hội. Phần thời gian còn lại nên dùng cho bài nghị luận văn học, chiếm đến 5 điểm.

Môn lịch sử có rất nhiều nội dung, mình xem lại một lần cuối và chỉ xem kỹ hơn nếu thấy thiếu sót cần bổ sung trong giai đoạn cuối. Ở môn lịch sử thường có khoảng 30 câu mình thấy ở mức dễ.

Khoảng 10 câu có độ khó tăng dần buộc thí sinh phải suy nghĩ, vận dụng. Không chỉ sử dụng kiến thức, mình nghĩ các bạn nên kết hợp thêm phương pháp loại trừ với những câu hỏi khó để nhanh chóng loại bớt những đáp án sai, từ đó tăng tỉ lệ trả lời đúng cao hơn.

Ở môn địa lý, các câu hỏi thường trải đều các phần kiến thức trong lớp 12, từ phần tự nhiên, dân cư đến ngành kinh tế, vùng kinh tế. Đặc biệt, nếu biết vận dụng Atlas, bạn có thể có được 4 điểm. Thêm phần xử lý biểu đồ và bảng số liệu, bạn sẽ có 5 điểm.

Dù những câu hỏi này nhìn chung đơn giản nhưng bạn vẫn phải cẩn trọng bởi sai sót ở những câu dễ sẽ khiến bạn gặp thiệt thòi so với những thí sinh khác.

- NGUYỄN TÔ PHƯƠNG NGHI (thủ khoa đầu vào Trường ĐH Tài chính - Marketing năm 2022):

Hối tiếc vì dò đáp án ngay sau thi

Mình đi thi với tâm lý rất thoải mái. Nhưng có một sai lầm mình mắc phải mà mình hy vọng các thí sinh năm nay có thể rút kinh nghiệm. Năm ngoái, thi xong môn nào là mình dò đáp án ngay sau buổi thi. Ngày thi thứ hai, sau bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, mình mải mê dò đáp án suốt buổi trưa rồi đi thi tiếng Anh buổi chiều luôn.

Chiều đó, làm bài tiếng Anh một xíu thì mình buồn ngủ và không làm bài được đúng với kỳ vọng của mình. Do vậy, mình khuyên các bạn nên dành thời gian những buổi trưa để nghỉ ngơi thay vì dò đáp án.

Một lưu ý nữa là trong phòng thi, mình đem theo một ít bánh kẹo ngọt nhỏ và xin phép trước với giám thị. Thời gian làm bài lâu, chưa kể nếu chẳng may mất bình tĩnh hay lo sợ, có khả năng bạn sẽ không giữ được tỉnh táo hoặc tụt đường huyết.

Một chiếc bánh nhỏ hoặc một vài viên kẹo nhỏ sẽ tiếp thêm cho bạn một ít đường và bạn sẽ tập trung hơn.

- NGUYỄN LÊ TRƯỜNG THỊNH (thủ khoa đầu vào Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022):

Phân loại câu khó

Một tuần cuối trước khi thi là lúc mình hoàn toàn dành cho xả stress sau khoảng thời gian căng thẳng làm rất nhiều đề ôn tập trong suốt ba tháng. Mình tập thể dục, chơi bóng chuyền với bạn cho thư giãn đầu óc và gân cốt. Mình cũng ngồi thiền để thư giãn đầu óc.

Vào phòng thi, quan trọng nhất vẫn là duy trì được sự thư giãn ấy. Hễ gặp những câu có dạng quen thuộc, bạn nên làm trước để lấy tinh thần. Xong một câu dễ, bạn nên chắc chắn luôn sẽ được điểm câu ấy, để tự tin không cần dành thời gian dò lại. Thời gian dò lại những câu dễ có thể được dùng để suy nghĩ thêm cho các câu khó.

Với các câu khó, bạn nên giữ bình tĩnh mà nhìn một lượt tất cả những câu khó này. Bạn chắc chắn sẽ bắt gặp những câu khó giống hoặc gần giống với dạng bài bạn từng làm qua. Nghĩa là bạn nên làm câu khó "quen" trước, câu khó "lạ" sau. Những câu hoàn toàn lạ bạn nên làm sau cùng".

Những thí sinh ôn tập thi tốt nghiệp thường thức khuya dậy sớm trong nhiều tháng liền, mình cũng vậy. Do đó, tuần cuối cùng trước khi thi tốt nghiệp là thời gian mình bắt đầu ngủ sớm và ngủ nhiều hơn.

Cơ thể sẽ được thư giãn và đầu óc cũng sẽ dần trở nên tỉnh táo hơn. Nhiều bạn để đến 1-2 ngày cuối mới ngủ sớm, điều này có thể khiến cơ thể không kịp thích nghi với lịch sinh hoạt mới.

LÊ THỊ YẾN

(thủ khoa đầu vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2022)

Không mặc định

Trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2022, mình dành sức nhiều nhất cho ba môn toán, hóa học, sinh học với mục tiêu vào học y đa khoa. Khi làm bài thi, mình tập trung vào từng câu hỏi. Mình loại bỏ tâm lý những câu xuất hiện đầu tiên là những câu dễ và những câu xuất hiện cuối cùng là những câu khó.

Thật vậy, nhiều câu hỏi sau cùng lại khá đơn giản. Nếu cứ mặc định những câu cuối rất khó, bạn sẽ xuất hiện những nỗi sợ không đáng có, từ đó vướng vào "đòn tâm lý" của người ra đề.

 

 

Mình thấy sinh học là một câu khó, phần lý thuyết tương đối nặng. Tuy nhiên, những kiến thức trong các đề thi thường không nằm ngoài sách giáo khoa. Có nhiều điểm kiến thức nho nhỏ trong sách giáo khoa sẽ có thể thành một câu hỏi khó do một số bạn thường không để ý.

Vì thế, mình nghĩ khi học lý thuyết môn sinh học không cần học quá nhiều mà chỉ cần học kỹ và chắc. Không nên học thuộc lòng theo từng đoạn, bởi bạn sẽ khó có được phản xạ khi làm bài trắc nghiệm.

Ngược lại, mình thường ôn tập theo cách làm các câu trắc nghiệm lý thuyết, làm đến đâu thì ghi chú, đối chiếu với phần trong sách giáo khoa đến đó. Như thế sẽ tạo được ấn tượng về các câu hỏi.

TRẦN ĐOÀN MINH THÙY

(thủ khoa thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TP.HCM)

Bài viết cùng danh mục